Cập nhật vào 17/02
Gần đây trên thị trường game Việt xuất hiện các khu trải nghiệm game thực tế ảo, thu hút nhiều người tham gia thử nghiệm, được đánh giá cao. Vậy thực tế ảo là gì? Cách hoạt động của game thực tế ảo ra sao?
Bài viết dưới đây, pokemonviet.info sẽ lý giải về vấn đề này.
Thực tế ảo là gì?
Thực tế ảo (tiếng Anh là virtual reality, thường được biết đến với cách viết tắt là VR) hay thực tại ảo là môi trường do con người giả lập qua các phân mềm chuyên dụng. Nó được hiển thị qua màn hình máy tính hay thông qua kính thực tế ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem như họ đang ở chính không gian đó.
Để gia tăng tính trải nghiệm, một số môi trường còn đi kèm với các giác quan khác như âm thanh, chuyển động.
Thực tế ảo đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem.
Thực Tế Ảo là một hệ thống giao diện cấp cao giữa người sử dụng và máy tính. Hệ thống này mô phỏng các sự vật và hiện tượng theo thời gian thực và tương tác với người sử dụng qua tổng hợp các kênh cảm giác.
Công nghệ thực tế ảo có từ bao giờ?
Công nghệ thực tế ảo không phải là một ứng dụng mới phát triển gần đây, nó đã có lịch sử hơn 50 năm. Nhưng ý tưởng về công nghệ này có lịch sử còn lâu hơn, gần 100 năm.
Ý tưởng về công nghệ thực tế ảo (VR) đã xuất hiện trong một số cuốn sách khoa học từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Năm 1938, Antonin Artaud đã mô tả bản chất huyền ảo và giả tưởng của con người và các vật thể trong bằng cụm từ “la réalité virtuelle ” trong cuốn sách Le Théâtre et son double. Cuốn sách này được dịch sang tiếng Anh vào năm 1958 với tên gọi The Theater and its Double, và đây được xem là tài liệu xuất bản đầu tiên trên thế giới sử dụng thuật ngữ “virtual reality”.
Sản phẩm thực tế ảo đầu tiên trên thế giới được công nhận đó là thiết bị mô phỏng SENSORAMA được phát minh bởi Morton Heilig (Hoa Kỳ) năm 1962. Nhưng trong một khoảng thời gian rất dài sau đó, công nghệ này hầu như không có ứng dụng thực tế nào.
Chỉ tới khoảng 10 năm trở lại đây, khi công nghệ phần mềm và phần cứng có nhiều đột phá vang dội, công nghệ thực tế ảo mới được ứng dụng rộng rãi. Tại Hoa Kỳ và châu Âu, thực tế ảo (VR) đã và đang trở thành một ngành công nghệ được quan tâm mạnh mẽ nhờ vào khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực (nghiên cứu và công nghiệp, giáo dục và đào tạo, du lịch, dịch vụ bất động sản, thương mại, giải trí và quốc phòng) của nó.
Một hệ thống VR gồm những gì?
Một hệ thống VR gồm có 2 thành phần chính: Phần cứng, và phần mềm.
Phần cứng
Bao gồm máy tính, các thiết bị đầu vào, và các thiết bị đầu ra.
– Máy tính (PC hay Workstation với cấu hình đồ họa mạnh).
– Các thiết bị đầu vào (Input devices):
- Bộ dò vị trí (position tracking) để xác định vị trí quan sát.
- Bộ giao diện định vị (Navigation interfaces) để di chuyển vị trí người sử dụng.
- Bộ giao diện cử chỉ (Gesture interfaces) như găng tay dữ liệu (data glove) để người sử dụng có thể điều khiển đối tượng.
Các thiết bị đầu vào của VR
– Các thiết bị đầu ra (Output devices):
- Hiển thị đồ họa (như màn hình, HDM…) để nhìn được đối tượng 3D nổi.
- Thiết bị âm thanh (loa) để nghe được âm thanh vòm (như Hi-Fi, Surround…).
- Bộ phản hồi cảm giác (Haptic feedback như găng tay…) để tạo xúc giác khi sờ, nắm đối tượng.
- Bộ phản hồi xung lực (Force Feedback) để tạo lực tác động như khi đạp xe, đi đường xóc.
Thiết bị đầu ra của VR
Phần mềm
Về mặt nguyên tắc có thể dùng bất cứ ngôn ngữ lập trình hay phần mềm đồ họa nào để mô hình hóa (modelling) và mô phỏng (simulation) các đối tượng của VR.
Phần mềm của bất kỳ VR nào cũng phải bảo đảm 2 công dụng chính: Tạo hình vào Mô phỏng.
Các đối tượng của VR được mô hình hóa nhờ chính phần mềm này hay chuyển sang từ các mô hình 3D. Sau đó phần mềm VR phải có khả năng mô phỏng động học, động lực học, và mô phỏng ứng xử của đối tượng.
Hình ảnh 3D được tạo ra như thế nào?
Một hình ảnh 3D được tạo ra theo nguyên lý tạo ảnh 3D từ hai mắt, sự chìm hay nổi của sự vật phụ thuộc vào cách nhìn của người quan sát. Ảnh 3 chiều này không chỉ tới từ một mắt mà là sự kết hợp hình ảnh từ 2 mắt. Ví dụ khi nhìn vào hai hình ảnh của một vật sát cạnh nhau, nếu như mắt trái nhìn vào ảnh bên phải và mắt phải nhìn vào ảnh bên trái thì ta cảm tưởng như vật đang nổi ra khỏi khung hình và ngược lại thì vật đó lõm xuống. Từ hình ảnh của 2 mắt, qua não bộ chúng sẽ chập lại với nhau tạo thành hình ảnh ba chiều.
Một điều cần lưu ý rằng, nếu ta nhắm một mắt lại và nhìn sự vật xung quanh thì ta vẫn cảm nhận được không gian 3 chiều. Điều này có được do cách suy luận của não bộ khi nó tiếp nhận thông tin từ một bức ảnh. Một số đã là bản năng khi sinh ra, còn số khác đến từ học hỏi.
Trên thực tế, để có được trải nghiệm hoàn hảo. Người ta thường sử dụng một thiết bị đi kèm là kính thực tế ảo. Nó có tác dụng như thế nào? Lấy ví dụ là Google CardBoard của Google.
Nếu nhìn vào, bạn sẽ thấy Google CardBoard có 2 khung nhìn kèm theo 2 thấu kính tương ứng với vị trí của mắt phải và mắt trái. Phía trước nó là khu vực giữ chiếc điện thoại không bị rơi.
Những phần mềm VR trên điện thoại khi hoạt động cũng chia hình ảnh của cùng một vật ra 2 khung hình tách biệt nhau. Mỗi khung hình sẽ được gửi vào mắt, và não bộ sẽ làm phần việc còn lại là ghép nó thành một hình ảnh 3 chiều.